Xuất khẩu cá rô phi Việt Nam sang Mỹ: Cuộc chiến cạnh tranh để giành thị phần

(vasep.com.vn) Cá rô phi là 1 trong những loài cá thịt trắng hàng đầu được người tiêu dùng tại Mỹ ưa thích. Mỹ đồng thời là thị trường tiêu thụ nhiều nhất các sản phẩm cá rô phi, trong khi đó Trung Quốc là nước sản xuất và XK lớn nhất. Tuy nhiên, với chính sách mới của Chính quyền Trump, các sản phẩm XK của Trung Quốc, trong đó có cá rô phi phải đối mặt với nhiều thách thức mới. Điều này có thể tạo ra cơ hội cho các nước XK khác, trong đó có Việt Nam.

(vasep.com.vn) Cá rô phi là 1 trong những loài cá thịt trắng hàng đầu được người tiêu dùng tại Mỹ ưa thích. Mỹ đồng thời là thị trường tiêu thụ nhiều nhất các sản phẩm cá rô phi, trong khi đó Trung Quốc là nước sản xuất và XK lớn nhất. Tuy nhiên, với chính sách mới của Chính quyền Trump, các sản phẩm XK của Trung Quốc, trong đó có cá rô phi phải đối mặt với nhiều thách thức mới. Điều này có thể tạo ra cơ hội cho các nước XK khác, trong đó có Việt Nam.

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, 2 tháng đầu năm nay, XK cá rô phi (tilapia) sang Mỹ đạt gần 3 triệu USD, tăng 105% (tăng hơn gấp đôi) so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 47% tỷ trọng trong tổng XK cá rô phi sang các thị trường. Trong khi đó, XK cá điêu hồng (red tilapia) sang Mỹ chỉ đạt gần 256 nghìn USD, giảm 78% so với cùng kỳ năm 2024.
Tuy nhiên XK cá rô phi của Việt Nam sang các thị trường nhiều năm nay chưa thực sự ghi được dấu ấn trên thị trường. Nguyên nhân đến từ việc đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn về cả giống, chất lượng, quy mô sản xuất, sản lượng,...
Việt Nam, với lợi thế về điều kiện tự nhiên và kinh nghiệm trong lĩnh vực thủy sản, đang xem xét việc đầu tư vào sản xuất và XK cá rô phi sang Mỹ, bên cạnh sản phẩm cá thịt trắng XK chủ lực là cá tra, đang đặt ra những câu hỏi về cơ hội và thách thức lớn đối với thị trường.

Cơ hội cho Việt Nam XK cá rô phi vào Mỹ
Nhu cầu thị trường lớn và đa dạng: Mỹ có nhu cầu cao đối với cá rô phi, bao gồm cả sản phẩm tươi và đông lạnh. Sự giảm sút từ các nhà cung cấp truyền thống mở ra cơ hội cho các quốc gia khác, bao gồm Việt Nam, tham gia và mở rộng thị phần.
Điều kiện tự nhiên thuận lợi: Việt Nam sở hữu điều kiện khí hậu và nguồn nước lý tưởng cho việc nuôi trồng cá rô phi. Nhiệt độ trung bình từ 27-32°C là môi trường lý tưởng cho sự phát triển của loài cá này. Thời gian nuôi từ 4-6 tháng với mật độ 150-200 con/m², tùy thuộc vào chất lượng nước, cho phép sản xuất hiệu quả và đáp ứng nhu cầu thị trường. 
Kinh nghiệm và cơ sở hạ tầng phát triển: Việt Nam đã có kinh nghiệm đáng kể trong việc nuôi trồng và XK các sản phẩm thủy sản như cá tra. Sự phát triển của các trung tâm sản xuất giống và việc đào tạo kỹ thuật cho nông dân giúp đảm bảo nguồn cung cấp giống chất lượng và kỹ thuật nuôi tiên tiến. Hiện nay, tỉnh An Giang đã trở thành trung tâm phát triển nuôi cá rô phi XK, với sự hỗ trợ từ Trung tâm sản xuất giống thủy sản An Giang. 
Thách thức đối với Việt Nam
Giống cá rô phi: Mặc dù có tiềm năng, nhưng việc sản xuất giống cá rô phi trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu về số lượng và chất lượng, ảnh hưởng đến kế hoạch mở rộng nuôi trồng và xuất khẩu. Nguồn giống cá rô phi của Việt Nam chưa tốt, chưa tự chủ được nguồn giống mà phải phụ thuộc vào NK. Con giống ở phía Bắc gần như 100% con giống phải NK từ Trung Quốc và thiếu giống vào mùa Đông.
Cơ chế chính sách: Còn thiếu liên kết chuỗi giá trị khi việc tổ chức sản xuất còn manh mún, thiếu liên kết chặt chẽ giữa các khâu từ sản xuất giống, nuôi trồng đến chế biến và tiêu thụ. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cá rô phi Việt Nam; Chưa có chính sách hỗ trợ đồng bộ: Mặc dù Bộ NN&PTNT đã xác định cá rô phi là một trong bốn đối tượng thủy sản nuôi chủ lực, nhưng các chính sách hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, thị trường chưa được triển khai đồng bộ và hiệu quả; Áp dụng tiêu chuẩn chất lượng chưa rộng rãi: Việc áp dụng các tiêu chuẩn như VietGAP trong nuôi cá rô phi còn hạn chế, dẫn đến khó khăn trong việc đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. 
Cạnh tranh từ các nhà cung cấp lớn: Thị trường cá rô phi Mỹ hiện do các nhà cung cấp từ Trung Quốc, Indonesia và các nước Mỹ Latinh chi phối. Trung Quốc, mặc dù giảm nhẹ XK, vẫn duy trì vị thế mạnh mẽ. Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt về giá cả và chất lượng để giành thị phần. 
Yêu cầu chất lượng và an toàn thực phẩm cao: Mỹ áp dụng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về chất lượng và an toàn thực phẩm. Các doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư vào công nghệ, quản lý chất lượng và tuân thủ các quy định để đáp ứng yêu cầu này.
Rào cản thương mại và thuế quan: Việc đối mặt với các biện pháp phòng vệ thương mại, thuế chống bán phá giá hoặc các rào cản kỹ thuật khác có thể ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của cá rô phi Việt Nam tại Mỹ. Các doanh nghiệp cần theo dõi sát sao chính sách thương mại và có chiến lược ứng phó phù hợp.
Không thể phủ nhận tiềm năng và giá trị XK của cá rô phi - một trong những loài cá thịt trắng bán chạy nhất tại Mỹ. Tuy nhiên, để đủ sức cạnh tranh với “ông lớn” Trung Quốc tại thị trường này, Việt Nam sẽ cần thêm nhiều thời gian để hoàn thiện và nâng cấp các yếu tố tạo nên thành phẩm chất lượng.
Bên cạnh nỗ lực cạnh tranh với Trung Quốc tại Mỹ, DN Việt Nam có thể nghiên cứu phát triển sản phẩm này tại các thị trường khác để đa dạng hóa và “educate” người tiêu dùng.


Thu Hằng
Biên tập viên
Email: thuhang@vasep.com.vn
Điện thoại 024. 37715055 - ext.214
nguồn www.vasep.com.vn

Tin tức tương tự

lien he